THPT Sông Đốc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
star_my
star_my
V.I.P Member
V.I.P Member
Nữ Posts : 446
Sinh nhật : 06/06/1988
Đến từ : Sông Đốc
STATUS : A4, SĐ
Coins : 554
Thanked : 6
Ngày tham gia : 08/12/2010
https://www.facebook.com/tramy.tramy.50

Hướng về ngày 27/7/2011 Empty Hướng về ngày 27/7/2011

Fri Jul 08, 2011 7:34 pm
Tháng bảy - Thời gian để mọi người Việt Nam nhớ và tri ân các thương binh liệt sĩ. Cùng với không khí chung ấy tôi sẽ post lên các bài viết về những đồng đội tôi đã hy sinh để chia sẻ cùng bạn bè yume. Mong được mọi người đón nhận. Xin cảm ơn!

Nhiều năm trôi qua, một con người tràn đầy nghị lực, yêu thương và lãng mạn vẫn sống trong ký ức của những người đồng đội một thời chia bùi xẻ ngọt cùng anh. Anh đã hy sinh khi đang độ thanh xuân đầy mơ ước. Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu?

Năm 1969, Bùi Khắc Tường rời thôn Hồ Nam, xã Tân Dân, Tĩnh Gia, Thanh Hoá để nhập học khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Gia đình đặt rất nhiều hy vọng vào sự học hành và thành đạt của anh.

Đất nước có chiến tranh việc học cũng muôn vàn gian khó. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tận Đại Từ Thái Nguyên. Việc đi lại tàu xe là trở ngại đầu tiên đối với một chàng trai xứ Thanh mới lớn. Ở nơi sơ tán thiếu thốn mọi thứ: Giáo trình thiếu, giấy mực thiếu, đồ dùng thí nghiệm thiếu, thậm chí bữa ăn cũng thường xuyên thiếu. Chỉ có một thứ không thể thiếu là quyết tâm dạy và học của cả thầy và trò. Các thầy từ nước ngoài về phải quen ngay với sự thiếu thốn. Các sinh viên mới, phải quen ngay với phương pháp học tập và hoàn cảnh mới. Tất cả phải vượt qua mọi khó khăn để học cho ngày mai xây dựng đất nước. Chỉ một năm học mà hai lần di chuyển. Từ Thái Nguyên về Đông Anh, rồi về Thượng Đình, Hà Nội.

Năm thứ hai qua đi, đến giữa năm thứ ba ( tháng 5 năm 1972) Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, trường lại sơ tán về Hà Tây rồi Hà Bắc. Ở nơi sơ tán, Tường có lệnh gọi nhập ngũ. Biết hoàn cảnh gia đình anh nhiều bạn bè và cả thầy chủ nhiệm đều khuyên anh nên làm đơn xin hoãn. “ Trước sau rồi cũng lên đường, có lệnh là đi, chẳng dùng dằng làm gì” – Anh chỉ cười mà nói. Từ suy nghĩ ấy, anh không hề vướng bận khi lên đường. Cũng từ suy nghĩ ấy, anh đã trở thành đồng đội của chúng tôi.

Tuy cùng học một trường, nhưng tôi và Tường lại ở hai khoa khác nhau. Tường học khoa Sinh còn tôi là sinh viên khoa Địa. Anh cuối năm thứ ba còn tôi cuối năm thứ hai. Chúng tôi chỉ biết nhau khi được biên chế về cùng một tiểu đội. Mới hai mươi mà nhìn bề ngoài Tường có vẻ già giặn, khuôn mặt xương gầy, khắc khổ, nước da bánh mật điển hình của miền quê Thanh Hoá. Anh hơi gù, dáng đi hơi lao về phía trước. Anh có đôi tay với những bó cơ săn chắc của người trải nhiều xốc vác. Tuy sàn sàn như nhau nhưng về sức vóc anh mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều.

Ở bộ đội chúng tôi ít bị cái đói dày vò hơn những ngày ở trường. Nhưng cái sự ăn cũng vẫn vô cùng cơ cực. Sáng sáng, mỗi chúng tôi được một bát ngô nấu dở cơm, dở cháo. Tôi bỏ vào miệng trệu trạo nhai từng miếng rất khó nhọc còn Tường ăn rất ngon lành, đôi khi anh còn động viên tôi:( Cứ nhai mạnh mẽ lên, nhai kỹ vào sẽ thấy ngô rất ngọt, ăn ngô nhiều da sẽ hồng hào đẹp lắm đấy). Cứ cố gắng như thế tôi cũng đưa được hết bát ngô vào bụng. Ngày ấy chúng tôi ăn để lấy sức mà tập, mà rèn luyện chứ đâu phải để thưởng thức. Chịu đựng khó khăn ngay từ khi là sinh viên nên chúng tôi cũng sớm quen với những gian khổ của người chiến sỹ.

Ba tháng huấn luyện tân binh. Ba tháng để những chàng sinh viên trở thành người lính thực thụ. Chúng tôi được trang bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để bước vào chiến đấu. Ban ngày là các bài học ngoài thao trường: Lăn, lê, bò, bắn súng, ném lựu đạn... Tối đến chúng tôi lại mỗi người một sọt đá trên vai tập hành quân xa mang vác nặng. Khoảng chín, mười giờ đêm mới được nghỉ. Khi ấy đôi chân đã mỏi nhừ và đôi vai đau rát. Vậy mà đâu đã được ngủ yên. Trong đêm, mỗi người còn phải đảm nhiệm một ca gác. 5h30 sáng hôm sau lại vùng dậy sau tiếng còi báo thức và một ngày mới lại bắt đầu với các công việc cứ kế tiếp nhau theo một vòng tròn khép kín. Trong những ngày vất vả ấy tôi thấy Tường vẫn vui. Sọt đá nặng trên vai, mỗi bước đi người cứ đổ về phía trước mà miệng anh vẫn hát. Thấy tôi ủ ê anh lại đi gần bên tôi mà thủ thỉ những chuyện vui nho nhỏ. Tôi thấy Tường và cả tiểu đội ai cũng quan tâm giúp đỡ tôi. Chính sự tận tình ấy đã thúc đẩy tôi phải cố gắng để theo kịp anh em.

Sau thời gian huấn luyện, chúng tôi có 10 ngày nghỉ phép về thăm gia đình. Những người ở gần như chúng tôi còn ở nhà với mẹ được một tuần. Tường và anh em khu bốn chỉ có thể ở nhà được 5 ngày. Ngày trả phép lên Hà Nội, tôi đã thấy Tường có mặt ở đây rồi. Thì ra, anh chỉ ở nhà 3 ngày rồi vội vàng ra Hà Nội. Sau này anh mới nói với tôi cái lý do anh không thể ở nhà lâu : Lo trả đúng phép thì cũng có, nhưng cái chính là mình không muốn phải thấy sự lo lắng suy tư của cha mẹ mình. Mãi tận bây giờ khi có gia đình tôi mới hiểu sự suy tư của cha mẹ anh và sự né tránh của anh là có lý.

Buổi tối trước khi lên đơn vị, Tường, Khải và tôi lững thững đi bộ trong công viên Thống Nhất. Chiều Hà Nội trời se lạnh, ba đứa chúng tôi vòng quanh hồ bảy mẫu, tôi chợt nghe Tường khẽ đọc:

“…Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân lai cách mấy nắng mưa

Biết đâu gốc tử đã vừa người ôm…”

Tôi bấm Khải lặng lẽ bước theo Tường, để anh thả hồn về quê. Ở nơi ấy chắc hẳn cha mẹ đang nhớ anh nhiều lắm. Lặng đi một lúc, Tường lại khe khẽ huýt sáo miệng bài “ Ngôi sao ban chiều”. Tôi cũng đang nhớ nhà, nhớ mẹ nhưng tôi hiểu nỗi nhớ quê hương trong anh đang trào dâng và tình cảm thiêng liêng ấy thật đáng trân trọng. Sau này khi bước vào chiến đấu, những phút giây này thật là quý hiếm. Bình thường Tường luôn tỏ ra là người mạnh mẽ, cứng rắn. Vậy mà trong một chiều đông Hà Nội, bên hồ công viên tâm hồn anh lại rung động mạnh mẽ đến thế. Phải chăng phía sau khuôn mặt khắc khổ, rắn chắc kia là một tâm hồn đầy yêu thương và lãng mạn. Đêm ấy chúng tôi cùng nghỉ tại nhà Khải, hôm sau trở lại “Thủ đô tắc kè” (Mai Sưu, Hà Bắc) để chuẩn bị hành quân chiến đấu.

Sáng sớm ngày 3 tháng 1 năm 1973, đơn vị chúng tôi được lệnh lên đường. Từ Mai Siu vượt núi Yên tử, qua Chí Linh, Khoái Châu về Thường Tín. Từ ga Thường Tín, chúng tôi lên tàu đi Ninh Bình rồi hành quân bằng ôtô đến Nghĩa Đàn. Bắt đầu từ đây là những ngày đi bộ triền miên. Những đôi chân học trò của chúng tôi đã qua Nam Đàn, Đức Thọ, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch rồi vượt Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc CamPuChia để đến với miền đông Nam Bộ. Bây giờ nghĩ lại đã thấy vã mồ hôi: “Ôi! Tuổi trẻ thời chiến chinh, sao mạnh mẽ thế? ”.

Trên đường hành quân, chúng tôi có những ngày dài nghỉ ở chân Atôpơ. Một buổi chiều Tường rủ tôi đi săn. Hai thằng có một khẩu súng vì thế tôi chỉ đi theo cho có bạn mà thôi. Bấy giờ đang mùa khô, chúng tôi đi theo một con suối cạn. Đang đi thì gặp một đàn gà mẹ con. Đàn gà con như những quả bóng bàn, lông vàng ươm, chạy táo tác. Gà mẹ cứ lồng lộn quanh đám gà con. Bắt, đánh hoặc bắn con gà mẹ hẳn là không khó. Thế nhưng Tường bảo tôi : Thôi, đi thôi! Để cho nó nuôi con! Tôi chưa hiểu sao đi săn thấy mồi mà ông này lại bỏ đi. Tường lại giục nên tôi cũng phải nghe. Đi một đoạn nữa chúng tôi lại gặp một con nai. Chúng tôi chưa kịp phát hiện thì nó đã chạy rồi. Nghe tiếng động thì chỉ thấy bóng nó vụt biến mất. Đi đã khá xa chúng tôi quay lại. đến một nhánh suối cạn cây cối tươi tốt. Tường bảo tôi ngồi đợi, rồi một mình đi ngược khe về phía đỉnh đồi. Tôi ngồi nhìn bóng tối đang từ từ xuống. Một mình trước cánh rừng chiều mênh mông tôi đã có cảm giác buồn cô quạnh.

Đoàng! Đoàng! Hai tiếng nổ đột ngột vang lên phá tan sự tĩnh lặng của khu rừng. Tôi nhằm hướng Tường vừa đi, chạy thục mạng. Vừa chạy, tôi vừa lắng nghe. Được khoảng 500m tôi đã nghe Tường vừa gọi tôi vừa gọi bố tôi. Tôi cứ nhằm hướng có tiếng của Tường mà lao tới, chưa biết có chuyện gì xẩy ra. Một lúc sau tôi đã thấy Tường mặt đỏ gay, đang chặt một cành cây làm đòn gánh. Thấy tôi Tường mừng rỡ: Nhanh lên giúp tao, hai con, to lắm. Tôi vội chạy lên đã thấy hai con nhím to kềnh càng Tường đã trói gọn gàng. Bóng tối buông xuống nhanh dần. Tôi và Tường vội vã khiêng hai con nhím về. Bữa cơm tối hôm ấy chúng tôi rất ngon miệng và vui vẻ vì cả đơn vị cùng được sẻ chia hương vị lạ của rừng Trường Sơn. Trước khi đi ngủ, Tường nằm chung võng với tôi thủ thỉ trò chuyện, lúng búng mãi hắn tỏ ý xin lỗi vì khi chiều đã gọi bố tôi. Quả thực tôi đâu có giận Tường bởi tôi hiểu rằng vì quá vui mà hắn gọi bố tôi cho oai vậy thôi chứ lúc giận, lúc tranh luận gay gắt chúng tôi cũng không bao giờ nặng lời với nhau. Hơn nữa chúng tôi đôi khi cũng gọi nhau bằng tên bố để nhớ. Chính cái cách gọi vô lễ này khiến chúng tôi ghi nhớ hết tên cha mẹ và địa chỉ gia đình của nhau. Trước khi về võng của mình Tường còn ghé miệng cắn một miếng thật đau vào má tôi. Thật là tức mà cũng thật là thương!

Sau những ngày hành quân qua Stung Cheng, Crachê, chúng tôi nghỉ khá lâu ở một cánh rừng thuộc tỉnh Kông Pông Chàm (Cam Pu Chia). Ở Đây chúng tôi học tập chính trị và thay nhau đi lấy măng, rau rừng để cải thiện bữa ăn. Mỗi lần đi, Tường lại kéo tôi đi cùng và cứ mỗi lần như thế anh lại có dịp tỷ tê với tôi những câu chuyện của riêng mình. Qua những câu chuyện ấy tôi biết anh đã có cảm tình sâu sắc với một người bạn gái tên Phương. Anh thường khẽ hát bài “ Ngôi sao ban chiều” mỗi khi nhớ về người con gái tên Phương ấy. Không hiểu nơi hậu phương xa xôi Phương có nhớ Tường của tôi không ? Phương ơi ! Tôi chưa một lần gặp bạn, chưa biết bạn nghĩ gì về Tường, nhưng tôi biết chắc một điều là Tường rất yêu bạn. Trong con mắt của bạn tôi, Phương là một người con gái xinh đẹp diụ hiền. Trong trái tim yêu thương của bạn tôi luôn có hình bóng Phương. Phương ơi ! Chắc bạn không thể biết rằng vì là trai thời chiến nên Tường của tôi chưa một lần thổ lộ tình cảm của mình với Phương. Cả tôi và Phương đều không thể ngờ rằng những điều thầm kín ấy, Tường không bao giờ còn có dịp thổ lộ cùng Phương. Mặc dù chưa nặng lòng cùng ai, vậy mà mỗi lần Tường hát: Em thân yêu nơi xa, em có biết chăng? Năm xưa đôi ta chung lời hẹn ước. Bấy lâu nay tim anh vẫn nhắc tới em. Như ngôi sao hôm đêm ngày mong chờ. Gợi lòng ta thương nhớ, nhớ người yêu ở nơi xa… tôi lại nao nao buồn.

Trong những ngày còn trên đất bạn, trước khi về đơn vị chiến đấu, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về Tường là anh thường hát bài “ Giờ này anh về đâu ?” Anh hát nhiều tới mức tôi không có ý định học cũng phải thuộc để khi hứng lên có thể ư ử cùng anh. Cũng trong những ngày này tôi biết rằng trước lúc Tường nhập ngũ gia đình anh đã có ba liệt sỹ ( hai anh trai và một chị dâu đã anh dũng hy sinh ), vậy mà anh đã không xin hoãn lệnh lên đường. Những ngày nghỉ phép anh trả phép sớm hơn vì cứ mỗi lần thoáng thấy nét lo âu trong mắt cha, mắt mẹ lòng anh se lại. Thương cha, thương mẹ vô cùng!

Những ngày tiếp theo chúng tôi hành quân về Tân Biên (Tây Ninh ), rồi tới Quảng Đức (Đak Nông ngày nay) bổ xung cho tiểu đoàn 9 trung đoàn 271. Tường về trinh sát tiểu đoàn, còn tôi về đại đội 1. Trên đường chiến đấu đôi khi chúng tôi vẫn gặp nhau thậm chí có lần còn chiến đấu bên nhau. Tháng 6 năm 1974, tôi bị sốt rét phải về điều trị tại bệnh xá trung đoàn. Ngày trở lại đơn vị tôi mới biết :trong một lần đi trinh sát bị địch phục kích, Tường đã anh dũng hy sinh. Tường ơi! “ Giờ này anh về đâu? hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn…” Tôi hát và khóc. Khóc và nhớ thương anh vô hạn.

Sau ngày chiến thắng, trở về trường đại học Tổng hợp, mỗi chiều đứng trên sân thượng nhìn về phương nam, tôi lại nhớ Tường. Khi chiều buông chỉ có một mình tôi lại khẽ hát bài ngày xưa Tường vẫn hát : Giờ này anh về đâu … Tôi bồi hồi một mình lặng ngắm hoàng hôn về. Bên cửa nhìn xa vời tận tít tầng mây, lòng tôi bao ngày mơ. Gió chiều nhẹ đưa bạn tôi về, tới miền quê nhà ,cùng sống vui êm đềm.

Hơn ba mươi năm đã qua, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng chưa khi nào tôi nguôi nhớ về Bùi Khắc Tường, một người có bề ngoài khắc khổ mà tâm hồn yêu thương rộng mở. Anh đã để lại trong tôi ấn tượng quá sâu sắc về một con người quả cảm luôn đón nhận thử thách mà không đòi hỏi một sự ưu tiên nào. Cuộc đời thanh xuân của anh mãi xứng danh anh bộ đội cụ Hồ. Nhớ anh, chúng tôi lại hát tiếp bài anh hát ngày nào : Giờ này anh về đâu ?!

Hoàng Liêm

Bây giờ tôi đã vào tuổi 60 - Cái tuổi nghĩ về tương lai ít thôi. Mỗi lúc rảnh lại hoài niệm quá khứ. Quá khứ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là những năm tháng chiến tranh. Ở đó tôi có tình yêu, thử thách, gian khó, hy sinh ... những đau thương và mất mát.

Tôi đã viết về những ngày xa xưa ấy với rất nhiều, nhiều nước mắt. Nước mắt khóc thương những đồng đội không về. Nhiều đêm không ngủ tôi đã nhớ về họ như nhớ về một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Bài đêm nhớ tôi đã viết trong một cái đêm như thế :

Đêm nhớ
Đêm
Giật mình, tỉnh giấc
Một mình trằn trọc, nhớ đồng đội xưa
Ngoài hiên nhà tí tách những hạt mưa
Nhớ đến nao lòng những bạn hiền, không về sau cuộc chiến

Tường ơi!
Nhớ không?
Chiều chúng mình mang về hai con nhím.
Cả đơn vị xẻ chia vị ngọt của núi rừng
Nhớ những ngày, gùi gạo sụn sống lưng
Khải gùi cả cho mình vì thương mình gầy yếu quá.
Nhớ cái ngày Kông Pông Chàm đói lả
Phấn chọn cho tôi hạt lạc cuối cùng

Minh ơi ! Mày có biết không?
Tao nhớ mày là tiếng viôlông trong trẻo
Thành ơi thành! Mày kể chuyện sao mà khéo
Chuyện thật đáng buồn mà mày kể vẫn vui

Khánh Thuỵ ơi! Bài thơ viết dở đâu rồi?
Tao tìm mãi chẳng bao giờ thấy
Long ơi Long! Tiếng bom làng bảy
Nó cướp mày đi, đi mãi không về
Thắng đen ơi! Trinh sát mãi mà chi
Đất nước hoà bình đã hơn ba mươi nam rồi đấy nhá!

Thoa ơi Thoa! Tao nhớ mày nhớ quá!
Da trắng mắt tròn ngơ ngác giữa rừng xanh
Anh Thiềng ơi ! Cháu Dũng con anh
Đã lớn, đã khôn đã đưa anh về Bắc
Ở Cai lậy, Mỹ Tho bà con vẫn nhắc
Anh - Người lính cuối cùng ngã xuốngtrước bình minh

Hiếu ơi! Từ Hà Bắc quê mình
Mẹ đã đến thăm anh, nghĩa trang Kiến đức
Mẹ đã hiến dâng đứa con dứt ruột
Cho cuộc sống hôm nay kết trái đơm hoa
Tôi thổn thức hoài nhớ những ngày qua
Điểm mặt bạn mình những người không về sau cuộc chiến.

Đêm
Nhớ thương
Không ngủ
Xin khắc tên từng người vào trong trái tim tôi.
HOÀNG LIÊM
[img][/img]
star_my
star_my
V.I.P Member
V.I.P Member
Nữ Posts : 446
Sinh nhật : 06/06/1988
Đến từ : Sông Đốc
STATUS : A4, SĐ
Coins : 554
Thanked : 6
Ngày tham gia : 08/12/2010
https://www.facebook.com/tramy.tramy.50

Hướng về ngày 27/7/2011 Empty Re: Hướng về ngày 27/7/2011

Fri Jul 08, 2011 7:38 pm
Đây là bài viết của một bác tên Hoàng Liêm viết về đồng đôi của mình. My post lên diễm đàn vì muốn thể hiện lời Tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã yên nghĩ. Chúng ta hãy nghĩ về họ và cầu chúc cho họ
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết